Xe máy điện được phép chạy bao nhiêu km/h?

Khi mua xe máy, khách hàng bao giờ cũng quan tâm tới vấn đề vận tốc của phương tiện. Một chiếc xe có vận tốc lớn chứng tỏ hiệu suất vận hành của nó tốt và mọi người phần lớn sẽ dựa vào đây để chọn xe.

Song, xe máy điện là phương tiện đặc biệt hơn so với xe máy thông thường chính vì thế một số người có thể chưa biết vận tốc tối đa của xe là bao nhiêu. Ngoài ra, việc điều khiển phương tiện này có cần tuân theo quy định về vận tốc trong Luật không hay có thể tận dụng hết khả năng của xe?

Sau đây hãy cùng tìm hiểu chi tiết với chúng tôi.

Xe máy điện có vận tốc tối đa bao nhiêu km/h?

Các dòng xe máy điện chủ yếu sử dụng động cơ điện để vận hành chiếc xe. Vậy nên sẽ khác với xe máy xăng thông thường. Xe máy điện sẽ không đo bằng dung tích xi-lanh. Hiện nay có 3 loại động cơ áp dụng trên xe máy điện. Đó là: Inhub – động cơ đặt trực tiếp vào bánh sau. Side-hub là động cơ đặt bên cạnh bánh sau, sử dụng các bánh răng để làm chuyển động trục bánh sau. Và động cơ Mid-hub tức là động cơ đặt giữa xe và được dẫn động bằng dây cu-roa hoặc xích kéo tới bánh sau.

Tùy các loại động cơ có công suất mạnh như thế nào sẽ cho vận tốc tối đa tương ứng. Trên thực tế, hãng xe YADEA đã từng sản xuất được mẫu xe motor chạy điện có vận tốc tới gần 300km/h. Nhưng ngược lại, cũng có các mẫu xe điện cỡ nhỏ, vận tốc chỉ khoảng 20km/h.

Như vậy, mỗi mẫu xe điện sẽ có công suất động cơ và vận tốc khác nhau. Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của người lái để lựa chọn vận tốc xe phù hợp.

Bạn hãy tiếp tục tìm hiểu quy định pháp luật cụ thể để biết được xe 50cc được phép điều khiển với vận tốc tối đa là bao nhiêu.

Xe máy điện được phép chạy với vận tốc bao nhiêu km/h?

Tại điều 8, thông tư số 31/2019/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ có ghi:

Điều 8. Tốc độ tối đa cho phép đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự trên đường bộ (trừ đường cao tốc)

Đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự khi tham gia giao thông tốc độ tối đa không quá 50 km/h.

Trong đó, khái niệm xe gắn máy được định nghĩa trong Thông tư 06/2016/TT-BGTVT.

Xe gắn máy là phương tiện chạy bằng động cơ, có 2 hoặc 3 bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h. Nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không được lớn hơn 50cm3.

Căn cứ vào đây xác định được xe máy điện là xe gắn máy do vậy người điều khiển phương tiện phải tuân thủ vấn đề vận tốc dựa theo quy định trong điều 8 nói trên.

Chưa có bằng lái có đi được xe máy điện không?

Như định nghĩa ở trên, xe máy điện là các dòng xe giới hạn vận tốc dưới 50km/h. Các mẫu xe máy điện dưới 50km/h đều KHÔNG CẦN BẰNG LÁI đã có thể sử dụng được. Vậy nên học sinh từ 16 tuổi đã có thể sử dụng xe máy điện bình thường.

Lưu ý, các dòng xe điện hai bánh mà có vận tốc trên 50km/h thì được gọi là motor điện, chứ không phải xe máy điện. Các mẫu xe motor điện này đều phải có bằng lái mới được phép sử dụng. Vậy nên khi mua xe, các bạn cần nhìn kỹ xem trên giấy đăng kiểm ghi nội dung phân loại xe là gì nhé.

Ngoài ra, nếu cố tính lái xe với vận tốc lớn hơn mức cho phép sẽ bị tính là vi phạm Luật Giao thông và phải chịu xử phạt hành chính.

Bảng phí phạt tuỳ theo mức độ được trích từ Nghị định số 171/2013/NĐ-CP như sau:

Khoảng vượt quá tốc độ Mức phạt
0,5 đến <10km/h 100.000 – 200.000 đồng
10 đến 20km/h 500.000 – 1.000.000 đồng
>20km/h 3.000.000 – 4.000.000 đồng

Vậy là bạn đã biết được thông tin về vận tốc tối đa mà xe máy điện có thể đạt được.

Các bạn nhất là học sinh, sinh viên chưa có bằng lái cần nắm rõ quy định vận tốc được áp dụng cho xe máy điện để tham gia giao thông hợp lệ, đảm bảo an toàn cho chính mình và người xung quanh.